Nắm trong tay cuộc sống bất tử, liệu đó là ân huệ
hay tai ương mà một con người phải gánh chịu? Có lẽ cuộc đời của Kaim
Argonar trong Lost Odyssey sẽ giải đáp được câu hỏi trên...Luôn ấp ủ tham vọng tấn công thành công thị trường
Nhật Bản - nơi luôn được xem là thành trì vững chắc của Sony và cũng là
nơi đã từng chứng kiến sự thảm bại của hệ máy Xbox trước PS2 trong qua
khứ, Microsoft đã khôn khéo kéo được studio Mistwalker về phe mình,
nhằm sản xuất ra những tựa game độc quyền đậm phong cách nhập vai Nhật
Bản (J-RPG) để có thể làm vừa lòng các game thủ xứ Phù Tang. Với những
con người đã từng làm nên huyền thoại Final Fantasy, “cú đấm” khơi mào
của Mistwalker mang tên Blue Dragon đã tạo được những thành công nhất
định ở chiến trường gian khổ này. Vậy, liệu “cú đấm” thứ hai mang tên
Lost Odyssey (LO) có tiếp nối được thành công và mở ra triển vọng sáng
sủa hơn cho Xbox 360 tại Nhật hay không, chúng ta hãy chờ xem.
Kẻ lữ hành bất tử | | >> THÔNG TIN VỀ GAME | |
| | Tên game: | | LOST ODYSSEY | |
| | Phát triển: | | Mistwalker / Feelplus | |
| | Phát hành: | | Microsoft Game Studios | |
| | Ngày phát hành: | | 24/01/2008 | |
| | Thể loại: | | Nhập vai | |
| | ESRB: | | Teen | |
| | Hệ máy: | | Xbox 360 | |
| | Ưu: | | • Các chơi cổ điển - cách tân hấp dẫn. • Thời lượng phim cắt cảnh đồ sộ. • Hình - âm tốt. | |
| | Khuyết: | | • Lỗi giảm khung hình • Buộc load game quá nhiều. | |
Chiến
tranh thật tàn khốc. Giữa chiến trường, từng nhát kiếm vung lên là có
một người ngã xuống. Thế nhưng, không ai biết được một viên thiên thạch
từ đâu rơi xuống, quét sạch hầu như tất cả. Trên một chiến trường bị
san thành bình địa và yên ắng đến rợn người, còn lại Kaim Argonar. Kaim
không hiểu được tại sao mình lại sống sót như thế, chỉ biết rằng mình
không thể chết trong trận chiến này cũng như đã không thể chết trong vô
số trận chiến trải dài trong suốt cả nghìn năm.
Sau đó Kaim
gặp Seth, một nữ chiến binh bất tử khác sống sót sau thảm họa đó, và cả
hai đều có điểm chung là hoàn toàn chẳng nhớ gì về quá khứ của mình.
Chỉ có từng đoạn hồi ức và những giấc mơ rời rạc nhuốm màu u buồn cứ
lần lượt sống dậy trong trí nhớ như là những cột mốc trên bước đường
dài như vô tận của kẻ lữ hành nghìn tuổi.
Cổ điển - cách tân
Nhắc
tới cái tên Hironobu Sakaguchi, ắt hẳn mọi người đều nghĩ ngay đến
những thành công tột bậc của “đứa con tinh thần” lừng danh Final
Fantasy của ông. Thương hiệu này đã làm nên tên tuổi nhưng chính nó
cũng ảnh hưởng rất nhiều đến ông. Các tác phẩm của Sakaguchi như Blue
Dragon trước đây hay nay là LO có cách chơi đặc sệt phong cách nhập vai
Nhật Bản cổ điển. Có người đã ví von rằng LO có phần cốt lõi là một
game nhập vai Nhật Bản của một, hai thập niên trước nhưng được khoác
bên ngoài bộ cánh hình-âm hoành tráng dựa trên sức mạnh của hệ máy
next-gen hiện nay. Nhận định đó có thể “đúng” khi bạn sẽ bắt gặp rất
nhiều yếu tố cổ điển trong cách chơi của LO nhưng chắc chắn nó chưa
“đủ” khi đã bỏ qua những cách tân mà đội ngũ phát triển đã khéo léo
thêm vào để thổi luồng sinh khí mới cho game.
LO bị ảnh hưởng
sâu sắc bởi phong cách cổ điển. Được xây dựng theo lối nhập vai theo
lượt (turn-based) quen thuộc. Hệ thống phép thuật thật ra cũng không có
gì mới mẻ khi được xây dựng dựa trên 4 thành tố: lửa, nước, đất và gió
lần lượt xung khắc lẫn nhau. Ngay cả yếu tố khá khó chịu thường gặp ở
các game nhập vai Nhật Bản cổ điển là các trận chiến ngẫu nhiên
(random-encounter) cũng được sử dụng trở lại trong LO, mặc dù cường độ
đã được giảm bớt để bạn khỏi gặp phải cảnh “1 bước đi, 1 trận đánh” như
xưa nữa.
LO còn thể hiện nét cổ điển của mình chính ngay trong
việc dẫn dắt người chơi xuyên suốt game. Đôi khi bạn sẽ được đưa đến 1
khu vực hoặc 1 thành phố nào đó mà trong đầu hoàn toàn “mù tịt” về
những gì cần phải làm tiếp theo để thúc đẩy mạch game tiến lên. Rất ít
gợi ý, rất ít manh mối để bạn biết được phải làm cụ thể những gì. Trong
LO cũng không thiếu những cách tân. Trước hết là hai hệ thống nhân vật
bất tử và phàm tục với những tính năng khác nhau được đưa vào để bổ
sung cho nhau. Bằng cách thiết lập các liên kết kỹ năng (set link) giữa
nhân vật bất tử và phàm tục, bạn có thể khiến các nhân vật bất tử học
những kỹ năng mong muốn dựa vào số điểm SP (Skill Point) thu thập được
sau mỗi trận đánh. Do đó, sự kết hợp tốt 2 tuyến nhân vật này mới là
chiến thuật hợp lý nhất trong game.
Một điểm khá thú vị nữa là
khả năng giới hạn đẳng cấp (level) ở mỗi khu vực khác nhau. Điều này
giúp bạn khỏi phải tốn thời gian “cày bừa” mà vẫn có thể hoàn thành
được game trong thời gian nhanh nhất có thể.
Thêm vào đó là
những chi tiết nhỏ như hệ thống Aim Ring System và Guard System hỗ trợ
đắc lực trong các pha tấn công và phòng thủ của bạn. Hệ thống Aim Ring
System trong tấn công vật lý có nét gần giống nhưng dễ sử dụng hơn
nhiều hơn so với hệ thống Addition trong trò chơi The Legend of
Dragoon. Trong khi đó, hệ thống Guard System trong phòng thủ lại buộc
bạn phải tính toán nhiều hơn trong một trận chiến. Với việc các nhân
vật được chia đội hình thành 2 hàng, hàng đầu dành cho nhóm tấn công
vật lý và hàng sau dành cho nhóm tấn công phép thuật thì thanh Guard
System có tác dụng giúp nhóm phía sau giảm được đáng kể mức sát thương
từ phía đối phương. Hiểu rõ hệ thống Guard System này, bạn sẽ dễ dàng
hơn trong tính toán thời điểm tấn công để các đòn đánh của mình có thể
phát huy tối đa sát thương.
Tuy có cách chơi khá thú vị kết hợp
cổ điển - cách tân nhưng LO vẫn còn sót lại vài “hạt sạn” khá khó chịu.
LO có độ khó đến mức dễ gây nản lòng người chơi. Không chỉ những trận
đấu trùm mà ngay cả một số trận đấu với quái bình thường cũng có thể
gây khó dễ và khiến bạn load game lại vài lần nếu không có chiến thuật
đối phó hợp lý. Chưa kể đến việc game còn bị một số người nhận xét là
có nhịp độ tương đối chậm và dễ bị pha loãng bởi có quá nhiều đoạn
thoại khá dài, nhất là những đoạn giấc mơ “Thousand Years of Dreams”
của Kaim thì dày đặc những chữ là chữ.
Ấn tượng nhưng nhiều lỗi
Sử
dụng engine Unreal 3.0 lừng danh, LO mang đến cho người chơi một màn
trình diễn ấn tượng. Phông màu tương đối trầm phù hợp với cốt truyện
mang nhiều ưu tư của game. Đáng kể nhất là những đoạn phim cắt cảnh
chất lượng cao có tổng thời lượng lên đến hàng chục giờ, một trong
những lý do chính khiến dung lượng của game bị kéo lên đến 4 DVD, một
kỷ lục mới của làng game X360. Khoảng thời gian bạn ngồi thưởng thức
các đoạn phim tuyệt đẹp này sẽ chiếm khoảng phân nửa tổng thời gian
chơi LO của bạn.
Tuy phần đồ hoạ ấn tượng như thế nhưng lại
vướng những lỗi không mong muốn. Tương tự như một game nhập vai mới đây
trên X360 cũng sử dụng Unreal Engine 3.0 là Mass Effect, thì trong LO
hai lỗi thường xuyên gặp phải là hiện tượng giảm khung hình (framerate)
đột ngột và phải load game quá nhiều mỗi khi di chuyển từ khu vực này
sang khu vực khác. Chúng khiến nhịp game bị khựng, gây cảm giác rất khó
chịu.
Phần âm thanh thì có thể làm hài lòng người chơi khi được
đảm trách bởi nhạc trưởng kỳ cựu của dòng game Final Fantasy là Nobuo
Uematsu. Đảm nhận vai trò lồng tiếng cho các nhân vật là các tên tuổi
quen thuộc như Tara Strong, Michael Bell và Kim Mai Nguyen - bảo chứng
vững chắc về chất lượng.
Nỗ lực đáng trân trọngCùng
với Lost Odyssey, một lần nữa mọi người lại trân trọng những nỗ lực của
ngài Hironobu Sakaguchi nhằm hồi sinh thời hoàng kim của thể loại nhập
vai Nhật Bản cổ điển. Còn quá sớm để khẳng định rằng những nỗ lực này
sẽ thành công hay thất bại nhưng có một điều chắc chắn rằng bản trường
ca bất tử với Kaim hoàn toàn có thể là hài lòng những fan lâu năm. Vậy
thì bạn còn chần chờ gì nữa mà không bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu
thú vị này?!