Amorphis – Một trong những cái tên khó định hình nhất trên bản đồ Metal. Bạn có thể gọi họ là melodic death? Progressive metal? Somekind of Metal…etc, tất cả những “thương hiệu” metal đều phù hợp với con tắc kè bông sống sót từ thập niên 90 này. Với cường độ ra mắt album vài năm 1 cái, Amorphis luôn biết cách khơi dậy trí tò mò của người nghe, để rồi khen cũng có, chê cũng có, thích thú cũng có, dè bỉu cũng nhiều không kém… Tất cả những điều ấy cũng chung quy giúp con người ta “ít nhất phải nghe qua Amorphis rồi mới dám mạnh miệng đánh giá”
Với
Silent Waters (2007), mọi chuyện hầu như cũng không khác mấy, có điều chiều hướng có vẻ tốt đẹp hơn. Bản thân mình thì thật sự thích thú có mỗi cái ‘ Tales from the Thousand Lakes’ , bởi album đó ngập tràn hương vị Finnish Melodic Death, một chất liệu ngọt lịm đủ dìm chết bất kì con ruồi metal nào mon men lại gần; Kể từ đó tớ chả xơi thêm hoặc là không thể xơi nổi bất kì album nào nữa của Amorphis, đơn giản phần vì các album đó quá lạ tai, hay quá nhàm, hoặc giả là không hứng thú (như trường hợp cái Eclipse là 1 ví dụ điển hình). Tuy nhiên, Silent Waters đã thúc đẩy trí tò mò của mình. Sau 1, 2 lần nghe, phải thừa nhận tớ thực sự cuốn hút và thích thú với album lần thứ 8 đánh dấu sự nghiệp xấp xỉ gần 20 năm của Amorphis.
Thoạt qua thì Silent Waters tổng hợp khá đầy đủ các đặc điểm của những album trước đó: Chút melodic, chút progressive, piano nhẹ nhàng lướt từng track, đây đó tiếng acoustic trong vắt quyện vào; tuy nhiên, điểm nổi bật khác biệt của album là sự hòa quyện trơn tru, sự phối hợp nhuần nhuyễn của 1 tên tuổi lớn. Âm thanh dường như không bao giờ đi lạc, từng nốt nhạc luôn tự động tìm đúng chỗ để xếp vào như bức tranh xếp tuyệt đẹp..
Khởi đầu guồng máy bằng một track khá aggressive,
Weaving the Incantation như đánh thức một Amorphis xinh đẹp vốn dĩ đã ngủ quên quá lâu, trên thềm vocal death của Tomi, ta tìm thấy phảng phất tiếng acoustic đệm nhẹ nhàng hơi ẩn vào bên trong; giai điệu thấm đẫm chất liệu melodic, ngọt ngào và quyến rũ.
Như góp phần làm sống lại hình ảnh 1 Amorphis ngày nào hoành tráng với phong cách melodic death thật sự sôi động và máu lửa,
A Servant tiếp nối con đường mà Weaving the Incantation đã mở ra, một phong cách melodic death không thể lẫn vào đâu, tớ như ngây ngất cứ tưởng mình đang nghe lại ‘Tales from the Thousand Lakes’. Giai điệu ngọt ngào cuồn cuộn đẩy vào tai nghe như từng đợt sóng kiêu hùng,
Sóng biển metal cuồn cuộn là thế chợt như lắng sâu khi tiếng piano vỗ nhè nhẹ,
Silent Waters mềm mại như từng đợt sóng lăn tăn nhẹ nhàng vuốt ve ta, 1 track ‘tĩnh’ đúng phong cách melodic death ta vẫn thường thấy, công thức 2 hùng hục 1 ngọt ngào ứng dụng hoàn hảo, Silent Waters là điểm lặng của album nhưng không hề lạc long chút nào, ca khúc tô điểm thêm vẻ quyến rũ của âm nhạc Amorphis.
Khà khà, bây giờ mới là cái ‘quái’ của Amorphis tòi ra, cứ lầm tưởng bọn này muốn làm lại hình ảnh melodic death ngày nào, nhưng
Towards and Against phủi bụi tất cả, nó khẳng định hướng đi của Amorphis vẫn là 1 band tìm đến cái lạ, cái độc của progressive, đôi khi cũng không phải là progressive, chỉ đơn giản Amorphis muốn tìm tòi tất cả những ngóc ngách sâu thẳm trong Metal; Họ muốn biến tất cả âm thanh trở thành thứ Amorphis-taste cho những ai đã, đang và sẽ nghe Amorphis.
Wait a minute, thế tại sao mình chợt chạm phải 1 ca khúc mềm và ngọt như ‘I of Crimson Blood’ thế này, đoạn intro hơi khác tí với Silent Waters nhưng cơ bản vẫn là 1 track ballad du dương, nhưng lần này đây không phải là metal ballad mà gần như là 1 bản rock ballad. Tay Tomi ‘trong trẻo’ hóa chất giọng của hắn, đột nhiên kéo vụt Amorphis đang gầm gừ chuyển ngoặt sang một phong cách progressive metal. Tuy nhiên, họ vẫn không quên đọng lại những cú riff cháy bỏng và ngọt lịm.
Her Alone, dành hẳn 1 phút chỉ để tiếng guitar đệm lướt dịu dàng, và rồi những âm thanh quen thuộc từ từ bước vào, kẻ guitar cô độc đã có thêm những bằng hữu ngang tài ngang sức, tiếng guitar ngọt lịm sẽ chạm trán tiếng key lả lướt đuổi với theo, bên cạnh đó vocal Tomi không kém phần thua sút, hắn nhả từng câu, ngân từng chữ điểm thêm nét đặc sắc cho ca khúc.
Enigma đúng như tên gọi, bỗng nhiên vang lên đó đây âm thanh folk, tiếng guitar rộn rang đệm theo trên nền giai điệu folk vui tươi. 1 track riêng cho Amorphis chăng? Hay 1 ca khúc sử dụng chất liệu nhạc dân gian Phần Lan chăng? Với Enigma, Amorphis lần nữa khẳng định họ không chừa bất kì thể loại nào để thử nghiệm…
Shaman là cú thúc ‘wake up call’ cho những ai đang bắt đầu nhớ nhung giai điệu melodic ngọt ngào ở nửa đầu album, tiếp theo đó là The White Swan đẩy sự cao trào lên tột đỉnh, âm hưởng này quả thật rất gợi đến một Amorphis đầy uy lực ngày nào.
Đoạn cuối album là một kết thúc êm ái như
Black River đặt vào trái tim người hâm mộ Amorphis.
Nhìn chung đây là một album rất dễ nghe, hoàn toàn không có nhiều thử nghiệm lạ lẫm như các album trước, Amorphis quay trở lại với một phong cách đơn giản hơn nhưng ngọt ngào và quyến rũ hơn trước rất nhiều…