Theo nhận định của giới chuyên môn, Daniel Tammet là một trong chưa đến 100 “thiên tài kỳ lạ” của thế giới, tức những người mắc chứng tự kỷ hoặc các rối loạn khác về thần kinh nhưng sở hữu những khả năng hơn người.
Thoạt nhìn, chàng trai người Anh 28 tuổi này trông giống như những người bình thường khác: biết mời khách uống nước, nhìn vào mắt họ khi nói chuyện, không đứng chen vào chỗ của người khác...
Tuổi thơ dữ dội
Daniel Tammet chào đời ngày 31-1-1979 tại London (Anh) trong một gia đình có chín người con. Thuở nhỏ, anh hay bị những cơn động kinh hành hạ. Lớn lên một chút, Daniel lại thường xuyên bị những đứa trẻ đồng trang lứa bắt nạt. Tuổi thơ cô đơn, bệnh tật đã khiến Daniel sống co mình lại như một con ốc yếu ớt.
Anh trốn vùi năm tháng ấu thơ trong thế giới của những con số. Chữ số là những “sinh vật” biết sống, biết thở, là người bạn duy nhất của Daniel... Năm 25 tuổi, anh được chẩn đoán mắc bệnh Asperger, một dạng bệnh tự kỷ làm hạn chế khả năng giao tiếp hoặc xây dựng mối quan hệ với những người khác.
Tạo hóa lấy đi của Daniel kỹ năng sống của một người bình thường, nhưng lại cho anh một khả năng kỳ lạ khác: anh mắc hội chứng “cảm giác kết hợp”, tức nhìn thấy những con số có hình dạng, màu sắc và cấu tạo khác nhau. “Ví dụ, số 1 thì sáng chói, như có người dùng đèn pin rọi vào mắt tôi. Số 5 giống như tiếng sấm hay tiếng sóng đánh vào ghềnh đá. Số 37 nhão nhoét như cháo, còn số 89 làm tôi nhớ đến tuyết rơi” - Daniel giải thích.
Cảm nhận kỳ lạ này đã biến Daniel Tammet thành “phù thủy” của những con số, với tài nhớ và làm toán siêu phàm. Năm 2004, anh lập kỷ lục châu Âu sau khi nhớ và đọc ra chính xác 22.514 chữ số của dãy số pi trong liên tục năm giờ! Nhiều nhà chuyên môn Anh và Mỹ đã nghiên cứu bộ não kỳ lạ của Daniel và đi đến kết luận chung: anh có năng khiếu thiên bẩm thật sự, chứ không chỉ là cố gắng “nhớ hú họa” những con số.
Daniel Tammet (Ảnh: NY Times) Một tuần học rành một ngoại ngữ
Không dừng lại ở khả năng số học, Daniel còn sở hữu năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ. Niềm đam mê đến với Daniel năm anh lên 9 tuổi, khi xem chương trình Thế vận hội Seoul. Từ chỗ nảy sinh sự ham thích với những quốc gia khác nhau, anh bắt đầu học các bảng chữ cái, rồi sau đó là ngoại ngữ. Bây giờ, Daniel không chỉ thông thạo 10 ngôn ngữ, trong đó có những ngôn ngữ ít phổ biến như Lithuania, Estonia và Esperanto (quốc tế ngữ), mà anh còn có hẳn một ngôn ngữ của riêng mình, gọi là Mati.
Có thể tính nhẩm trong nháy mắt kết quả những phép toán “nhức đầu” như 82 lũy thừa 4, hoặc nói chuyện bằng tiếng Iceland với người phỏng vấn trên một chương trình truyền hình chỉ một tuần sau khi biết đến ngôn ngữ này, nhưng trong đời sống, Daniel phải vật lộn để làm quen với những hành vi ứng xử xã hội sơ đẳng nhất.
Chúng là kết quả của quá trình quan sát và nỗ lực luyện tập đầy vất vả. Anh phải liên tục nhắc mình nhìn vào mắt người khác và chăm chú lắng nghe những gì họ nói. Bình thường, Daniel không thể theo xuyên suốt mạch cuộc đối thoại. “Việc đó giống như nối các điểm trong quyển sách tô màu của trẻ con. Tôi có thể thấy các điểm này nhưng không biết chúng sẽ tạo thành cái gì sau khi được nối với nhau” - Daniel cho biết. Bộ não khác người cũng khiến anh có những thói quen khá lập dị, chẳng hạn như mỗi buổi sáng chỉ ăn đúng 45 gam cháo (Daniel dùng cân điện tử để cân chính xác), ít hay nhiều hơn 1 gam cũng sẽ là “chuyện lớn” với anh.
Chính vì vậy mà việc Daniel trình làng quyển tự truyện Born on a blue day (tạm dịch Chào đời vào ngày màu xanh) đã khiến không ít người ngạc nhiên. Ngạc nhiên không chỉ vì đó là một trong những quyển sách hiếm hoi do chính một người tự kỷ viết về thế giới phức tạp bên trong mình, mà còn vì anh có lối hành văn rất mạch lạc và cách giải thích vô cùng logic. Có lẽ đây lại là một bí ẩn khác về khả năng đặc biệt của thiên tài kỳ lạ này mà các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích.